Giá trị dinh dưỡng của nước dừa
Uống nước dừa rất có lợi cho cơ thể, bởi trong nước dừa chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: canxi, kali, clorua, Vitamin A, E. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giảm huyết áp, giảm lượng đường huyết, giúp cải thiện sức khỏe của xương và răng.
Nước dừa cũng được dùng để thay thế các sản phẩm sữa, nhất là đối với những người không dung nạp được lactose thì có thể uống nước dừa mà vẫn nhận đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết.
Một lợi ích về sức khỏe của nước dừa nữa là giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các vi khuẩn gây bệnh, bởi trong nước dừa chứa thành phần acid lauric, có khả năng kháng khuẩn, vi trùng, virus, nấm. Do vậy, nước dừa có thể giúp đẩy lùi các vi khuẩn xâm nhập vào dạ dày, ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh, đau họng cũng như một loạt các triệu chứng đau ốm khác.
Acid lauric trong nước dừa còn hỗ trợ “đắc lực” cho tim và huyết mạch luôn hoạt động khỏe mạnh. Sự hiện diện của acid lauric cùng với một số chất béo no bão hòa và các thành phần acid có lợi khác cũng giúp chống lại bệnh tim hay xơ vữa động mạch.
Nước dừa còn được xem như là một liệu pháp tự nhiên tại nhà, giúp chăm sóc da và tóc khỏe mạnh, giúp tái tạo da, tóc và ngăn ngừa các bệnh về da, tóc.
Đây cũng là thực phẩm “hoàn hảo” thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả, thêm nước dừa vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp bạn duy trì mức cân nặng hợp lý. Các chất béo no, bão hòa có trong nước dừa sẽ giúp cơ thể nhanh chóng chuyển đổi thành năng lượng thay vì lưu trữ như là chất béo.
Hiện có nhiều chất chống oxy hóa được tìm thấy trong nước dừa, có thể giúp ngăn chặn các bệnh ung thư, lão hóa da, nếp nhăn, thị lực kém, và các vấn đề về xương.
Thêm nước dừa vào chế độ ăn uống cũng rất tốt cho bộ máy tiêu hóa, ngoài việc giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn thì nó còn có khả năng kháng khuẩn gây đầy bụng, khó tiêu trong dạ dày
Một số lưu ý khi uống nước dừa
Theo sách nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, quả dừa (da tử) có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, ích khí, tiêu phù thủng, trừ tiêu chảy, tâm phiền, giải nhiệt độc. Nước dừa vô trùng còn được sử dụng làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, trị tiêu chảy.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước dừa (ngày uống hơn 3 – 4 trái và uống liên tục nhiều ngày). Theo kinh nghiệm dân gian, uống nước dừa không đúng cách sẽ bị một số phản ứng như:
– Đi ngoài trời nắng nóng, đến khi về nhà, vì khát nước nên uống quá nhiều nước dừa sẽ bị “trúng” với các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao.
– Trước cuộc thi đấu thể dục thể thao, nếu uống nước dừa quá nhiều, sẽ làm cho tay chân rũ nước, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh lẹ cần thiết.
– Những người có thể tạng thuộc âm như: Da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp… thì không nên dùng nước dừa.
Lý do là vì, theo y học cổ truyền, dừa (cũng như nhiều loại trái cây chứa nhiều nước như: dưa hấu, bí đao…) có nhiều thấp khí, thường gây trở ngại cho hoạt động của trạng tỳ. Do đó, khi uống nước dừa trong các trường hợp trên sẽ đưa thấp khí vào trong cơ thể quá nhiều, gây ra các rối loạn chức năng hoạt động bình thường của cơ thể.
Khi uống nước dừa để giải khát, nên thêm ít muối để điều hoà. Món nước dừa trộn với nước ép rau má cũng là một thức uống giải khát, thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận gan rất tốt. Tuy nhiên, những người có tạng âm như đã nêu, cần lưu ý để tránh những điều bất lợi khi sử dụng.
Các cách chế biến nước dừa
Uống trực tiếp: Nếu không có thời gian chế biến, bạn có thể bổ dừa ra và lấy nước uống trực tiếp, không cần pha chế thêm đường nữa.
Thạch dừa: Thạch dừa không chứa đường là thạch hoàn toàn tự nhiên, do chính tay bạn làm sẽ đảm bảo vệ sinh và có thêm một món ăn tráng miệng ngon, bổ.
Thạch dừa rau câu: Được chế biến từ rau câu và nước dừa, những loại hoa quả hoàn toàn mát cho cơ thể của phụ nữ mang thai.
Ngoài nước dừa, bà bầu cũng có thể hấp thụ dinh dưỡng từ nước dừa thông qua những món ăn chế biến với nước dừa: thịt kho nước dừa, bò hầm nước dừa, gà om nước dừa…